Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam, nơi đây sở hữu khí hậu vô cùng ôn hòa. Khung cảnh thiên nhiên của Cao Bằng được ví đẹp như một bức tranh thủy mặc với các thắng cảnh gây mê hoặc lòng người như động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, khu di tích Pắc Bó,… luôn là đề tài hấp dẫn cho các họa sĩ, nhiếp ảnh gia sáng tác. Nếu bạn sắp chuẩn bị lên một kế hoạch cho chuyến du lịch Cao Bằng thì không thể bỏ lỡ các kinh nghiệm du lịch hữu ích được tổng hợp dưới đây, sẽ vô cùng cần thiết và hữu ích cho các bạn đấy.
Mục Lục
Thời điểm thích hợp để đi du lịch Cao Bằng

Vào mỗi mùa, Cao Bằng mang một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, khoảng thời gian đẹp nhất để đến Cao Bằng là tháng 8 – 9 khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh. Và vào tháng 11-12 khi hoa Tam Giác Mạch và hoa Dã Quỳ nở khắp núi rừng. Thời điểm cuối xuân đầu hạ hơn khi thời tiết không quá lạnh cũng chưa nắng nóng. Tầm tháng 3-4 cây mơ, mận ra quả sai trĩu vừa ngắm vừa thưởng thức cũng rất thú vị.
Phương tiện di chuyển đến Cao Bằng
Thành phố Cao Bằng cách thủ đô Hà Nội khoảng 280km. Vì khoảng cách khá xa nên tốt nhất bạn nên bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình đi sẽ đỡ mệt. Từ TP.HCM, Đà Nẵng hay Cần Thơ muốn đến với Cao Bằng bạn sẽ đáp chuyến bay đến Hà Nội. Và sau đó tiếp tục hành trình đến với Cao Bằng.
Tại Cao Bằng, khoảng cách di chuyển đến các địa điểm tuy tương đối xa. Nhưng hiện nay đường xá đã được đầu tư lại khá tốt nên bạn hãy thuê xe máy để trải nghiệm hết các thắng cảnh đẹp và trải nghiệm những cung đường thú vị. Dịch vụ này bạn có thể thuê tại các khách sạn lưu trú.
Các địa điểm du lịch Cao Bằng
Lên Cao Bằng chắc chắn bạn không thể bỏ qua điểm tham quan đặc sắc đó là Thác Bản Giốc. Cách trung tâm Cao Bằng 120km, nằm ở huyện Trùng Khánh, giáp với biên giới Trung Quốc. Đây là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới trong số các thác nước đẹp nằm trên biên giới giữa các quốc gia. Và là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đến đây bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ và thơ mộng. Trên đường về lại trung tâm bạn đừng quên ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Bản Giốc được khánh thành vào tháng 12/2014 và Động Ngườm Ngao, cách thác chừng 3km.

Ngày hôm sau tại Cao Bằng bạn nên ghé tham quan Khu di tích lịch sử Pắc Bó. Cách trung tâm khoảng 50km. Nơi Bác Hồ từng sống và làm việc với khung cảnh thiên nhiên núi non, sông suối sơn thủy hữu tình. Cách Khu di tích Pắc Bó 2km là Khu di tích anh hùng liệt sĩ Kim Đồng. Nơi thờ người anh hùng quả cảm của dân tộc. Nếu còn thời gian tham quan tại Cao Bằng bạn có thể ghé tham quan thắng cảnh Hồ Thang Hen, khu rừng Trần Hưng Đạo, Quần thể Khu di tích lịch sử Lam Sơn, Thành Bạch Mã, Nghiêu Sơn Lĩnh.
Các lễ hội đặc trưng tại Cao Bằng
Nếu bạn có dịp đến Cao Bằng vào tháng giêng thì bạn sẽ được tham quan vào lễ hội quan trọng nhất của người Tày, Nừng. Đó là lễ hội Lồng Tồng, được tổ chức từ ngày mồng 4 đến mồng 10 tháng giêng. Lồng Tồng theo tiếng Tày – Nùng hay Lồng Tộng theo tiếng Dao có nghĩa là xuống đồng. Ngoài ra, đến vào tháng 2 âm lịch sẽ được thưởng thức Hội pháo hoa Quản Uyên. Tổ chức ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch có với màn độc đáo nhất là tranh đầu pháo hoa đầu xuân.
Nơi ở và trải nghiệm ẩm thực bản địa
Đến Cao Bằng mình thường nghỉ tại khách sạn Hoa Việt 2 sao. Tuy khách sạn không có phục vụ ăn sáng nhưng chất lượng phòng rất tốt và đẹp. Ngoài ra, bạn còn nhiều lựa chọn khách như khách sạn 3 sao Bằng Giang. Hay các khách sạn 2 sao như Hương Sen, Thành Loan, Giao Tế,… Hiện nay tại Khu du lịch thác Bản Giốc có khách sạn Sài Gòn Bản Giốc 4 sao. Nếu muốn có trải nghiệm thú vị ngay khu vực gần biên giới thì bạn có thể nghỉ tại đây.
Sản vật Cao Bằng phong phú và chế biến được nhiều món ngon lạ miệng. Tiêu biểu như xôi trám, khẩu sli (bánh gạo nếp nổ), bánh trứng kiến (mùa tháng 4, 5), bánh cuốn, món nằm khâu (khâu nhục), cá chiên sông Gâm, bánh khảo, bò gác bếp, vịt quay 7 vị Cao Bằng, bánh áp chảo, hạt dẻ Trùng Khánh, phở chua, cháo nhộng ong, chè dây một, (mùa tháng 9, 10), phở xào rau dạ hiến, phở Chua, lê Đông Khê, cá hồ Thang Hen, măng chua, mận Bảo Lạc (tháng 3,4).

Và bạn đừng quên thưởng thức thơm (khóm) tại thành phố Cao Bằng nhé, rất ngon và ngọt. Món này thường được dùng làm món tráng miệng trong các nhà hàng. Cao Bằng có khá nhiều món ngon và đặc sắc. Bạn có thể mua rau dạ hiến, măng chua, mận, bò gác bếp, hạt dẻ Trùng Khánh về làm quà cho người thân.
Một số điều lưu ý khi du lịch Cao Bằng
Có một vài phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng mà các bạn cần biết để tránh các điều kiêng kị. Nhất là khi vào thăm các bản làng hay ở các dịch vụ homestay.
– Khi vào nhà, nếu thấy ở cửa nhà, đầu cầu thang có cắm một cành lá xanh. Đó là dấu hiệu không muốn người lạ vào nhà.
– Trong nhà, bàn thờ thường để ở gian giữa nhìn ra cửa chính. Khách khi đến chơi cần tránh đến gần. Không đặt các vật dụng cá nhân, không sờ tay lên đồ thờ cúng. Nữ giới không được ngồi quay lưng vào bàn thờ.
– Người Nùng thường đặt ống hương ở ngoài sàn để cúng ma gầm sàn. Người lạ không đến gần ống hương đấy
– Người Tày có tục thờ Phi Phỉng Phjầy (ma bếp lửa). Khách đến cần tránh việc to tiếng hay cãi lộn bên bếp lửa.
Khi đi du lịch Cao Bằng, bạn nên đem theo đầy đủ giấy tờ tùy thân do đây là khu vực biên giới. Đặc biệt bạn hãy tôn trọng những tập tục của người dân địa phương, không làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu, giữ gìn vệ sinh chung và không đi vào những vùng bị cấm, vượt biên giới.